HỎI ĐÁP VỀ ĐẠI LÝ HẢI QUAN

HỎI ĐÁP VỀ ĐẠI LÝ HẢI QUAN

adminketoanquocgia

 HỎI ĐÁP VỀ ĐẠI LÝ HẢI QUAN

 

Câu hỏi 1: Xin hỏi đại lý hải quan được thay mặt chủ hàng làm những công việc gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ban hành ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính như sau:

1. Đại lý làm thủ tục hải quan là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan, có trách nhiệm thay mặt người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi chung là chủ hàng) thực hiện việc khai hải quan; nộp, xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định và thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hợp đồng ký với chủ hàng, gồm:

a) Xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật.

b) Vận chuyển, làm thủ tục hải quan đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Cung cấp dịch vụ tư vấn về thủ tục hải quan và quản lý thuế cho chủ hàng.

d) Nộp các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

e) Thực hiện thủ tục miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, xét hoàn thuế, giảm thuế, xét giảm thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

f) Thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan.

g) Thực hiện các thủ tục hành chính khác với cơ quan hải quan.

2. Đại lý làm thủ tục hải quan (giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền theo quy định của pháp luật) phải ký hợp đồng đại lý với chủ hàng; người được cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện việc khai và làm thủ tục hải quan trên cơ sở hợp đồng đại lý đã ký với chủ hàng; đại lý làm thủ tục hải quan chỉ xuất trình hợp đồng đại lý cho cơ quan hải quan khi xác định hành vi vi phạm pháp luật hải quan về hải quan. Giám đốc đại lý hoặc người được giám đốc ủy quyền theo quy định của pháp luật thực hiện việc ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan khi thực hiện các công trên.

 

Câu hỏi 2: Xin cho biết hồ sơ để công nhận đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền cơ quan công nhận?

Trả lời:

Theo Điều 6 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, hồ sơ để công nhận đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền công nhận quy định như sau:

1. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan lập hồ sơ đề nghị công nhận đủ điều kiện làm đại lý làm thủ tục hải quan gửi Tổng cục Hải quan. Hồ sơ gồm:

a) Thông báo đủ điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 04 ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản chụp;

c) Hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

Các chứng từ bản chụp do Giám đốc đại lý làm thủ tục hải quan ký tên, đóng dấu xác nhận.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 05 ban hành kèm Thông tư này, cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này và cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Trường hợp không đủ điều kiện thì có văn bản trả lời doanh nghiệp.

3. Trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan có Chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác nếu Chi nhánh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan thì được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan. Thủ tục công nhận thực hiện theo quy định tại Điều này.

4. Khi thay đổi tên, địa chỉ, đại lý làm thủ tục hải quan có công văn đề nghị kèm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư gửi Tổng cục Hải quan để sửa đổi trên Quyết định công nhận đại lý làm thủ tục hải quan và cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

 

Câu hỏi 3: Xin cho biết khi nào cơ quan hải quan tạm dừng hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan, thẩm quyền ra quyết định tạm dừng thuộc cơ quan nào ?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài Chính, việc tạm dừng hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền ra quyết định tạm dừng quy định như sau:

1. Khi phát hiện đại lý làm thủ tục hải quan hoạt động không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan hoặc không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để ra quyết định tạm dừng hoạt động theo mẫu số 06 ban hành kèm Thông tư này.

2. Sau khi bị tạm dừng làm thủ tục hải quan, nếu đại lý làm thủ tục hải quan có công văn đề nghị, Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra, xác minh đáp ứng đủ điều kiện thì báo cáo Tổng cục Hải quan có văn bản xác nhận để đại lý làm thủ tục hải quan được tiếp tục hoạt động.

3. Trong thời hạn 06 tháng, nếu đại lý làm thủ tục hải quan không khắc phục và không có văn bản đề nghị, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan ra quyết định chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Câu hỏi 4: Xin cho biết khi nào cơ quan hải quan chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan, thẩm quyền ra quyết định chấm dứt thuộc cơ quan nào?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, các trường hợp chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan và thẩm quyền ra quyết định chấm dứt được quy định như sau:

1. Đại lý làm thủ tục hải quan bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế hoặc thông đồng với chủ hàng để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế;

b) Đại lý làm thủ tục hải quan không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chế độ báo cáo với cơ quan hải quan trong 03 lần liên tiếp theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;

c) Sử dụng bộ chứng từ không phải do chủ hàng cung cấp để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;

d) Thuộc trường hợp nêu tại điểm c khoản 1 Điều này;

e) Đại lý làm thủ tục hải quan có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động.

2. Khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để ra quyết định chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 06 ban hành kèm Thông tư này.

3. Đại lý làm thủ tục hải quan bị chấm dứt hoạt động không được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan trong thời hạn 02 năm kể từ ngày ra quyết định chấm dứt hoạt động.

4. Trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan đề nghị chấm dứt hoạt động thì có công văn gửi Tổng cục Hải quan ra quyết định chấm dứt hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.

5. Khi đại lý làm thủ tục hải quan bị chấm dứt hoạt động thì mã số của nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan sẽ bị thu hồi và hết giá trị sử dụng.

 

Câu hỏi 5: Xin cho biết quy định về mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan? Thủ tục cấp và gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan ?

Trả lời :

Theo Điều 8 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan được quy định như sau:

1. Những người làm việc tại đại lý làm thủ tục hải quan đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Hải quan và được đại lý làm thủ tục hải quan đề nghị thì được cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

Mã số nhân viên được ghi trên Thẻ nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan và được sử dụng trong thời gian hành nghề khai hải quan của nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Các đối tượng không được cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan:

a) Người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù;

c) Người có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, kiểm toán bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thuế hoặc Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có quyết định xử phạt;

d) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

đ) Cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ nhưng đang trong thời gian quy định không được kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về việc quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực trách nhiệm quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ;

e) Các trường hợp bị thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 12/2015/TT-BTC.

2. Thủ tục cấp và gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan:

Theo Điều 9 Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài Chính, thủ tục cấp và gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan quy định như sau:

1. Đại lý làm thủ tục hải quan lập hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan, gồm:

a) Đơn đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 07 ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính;

b) Bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc các chuyên ngành luật, kinh tế, kỹ thuật: 01 bản chụp;

c) Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan: 01 bản chụp;

d) Chứng minh thư nhân dân: 01 bản chụp;

đ) Một (01) ảnh 2×3.

Các chứng từ bản chụp do giám đốc đại lý làm thủ tục hải quan ký tên, đóng dấu xác nhận.

2. Hồ sơ đề nghị cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan được gửi đến Tổng cục Hải quan. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 08 ban hành kèm Thông tư này.

Mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan trùng với số chứng minh thư nhân dân của người được cấp và có giá trị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp.

3. Gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan

a) Nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan được gia hạn thời gian sử dụng mã số nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Không thuộc các trường hợp bị thu hồi mã số theo quy định tại Điều 10 Thông tư này;

– Tham gia tối thiểu 2/3 hoặc thời lượng tương đương 03 ngày các khóa đào tạo, cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật hải quan do cơ quan hải quan (Tổng cục Hải quan và hải quan các cấp) và đơn vị được cơ quan hải quan cử cán bộ tham gia giới thiệu trong thời gian mã số nhân viên có hiệu lực.

b) Đại lý làm thủ tục hải quan có văn bản đề nghị.

c) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Tổng cục Hải quan thực hiện việc gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan. Thời gian gia hạn là 03 năm kể từ ngày gia hạn.

4. Trường hợp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan bị mất, nếu đại lý làm thủ tục hải quan có văn bản xác nhận và đề nghị, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Tổng cục Hải quan xem xét cấp lại mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan trên cơ sở sử dụng mã số đã được cấp trước đây.

 

Câu hỏi 6: Công ty chúng tôi thực hiện đại lý làm thủ tục hải quan, xin cho biết quyền và trách nhiệm của đại lý làm thủ tục hải quan.

Trả lời:

Theo Điều 13 Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, quyền và trách nhiệm của đại lý làm thủ tục hải quan được quy định như sau:

1. Quản lý, sử dụng mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan để tiến hành các công việc khai báo và làm thủ tục tại cơ quan hải quan trong phạm vi được chủ hàng ủy quyền; Chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề nghị Tổng cục Hải quan cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan cho người đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

2. Yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đại lý.

3. Yêu cầu cơ quan hải quan hướng dẫn về thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kỹ thuật trong việc kết nối mạng giữa với cơ quan hải quan và cung cấp các quy định mới của pháp luật về hải quan và tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về hải quan.

4. Chịu trách nhiệm về các nội dung khai trên tờ khai hải quan trên cơ sở bộ chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do chủ hàng cung cấp và thực hiện đúng phạm vi được ủy quyền theo hợp đồng đại lý.

5. Thông báo cho Tổng cục Hải quan để thực hiện việc thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này do đại lý làm thủ tục hải quan phát hiện hoặc trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động.

6. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến chủ hàng hoặc các lô hàng do đại lý làm thủ tục hải quan đứng tên khai hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

7. Chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.

8. Trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan thay mặt chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thì đại lý làm thủ tục hải quan phải chịu trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và các pháp luật khác có liên quan.

9. Đại lý làm thủ tục hải quan có trách nhiệm:

a) Định kỳ vào ngày 05 của tháng đầu quý sau, báo cáo tình hình hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan theo mẫu số 10 ban hành kèm Thông tư này gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc các thông tin cần thiết khác phục vụ cho hoạt động quản lý hải quan khi được cơ quan hải quan yêu cầu bằng văn bản.

b) Báo cáo, đề nghị Tổng cục Hải quan thực hiện việc thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày phát sinh.

 

Câu hỏi 7: Cho tôi xin hỏi quyền và trách nhiệm của Chủ hàng khi thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua đại lý làm thủ tục hải quan:

Trả lời:

Theo Điều 14 Thông tư số 12/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính, quyền, trách nhiệm của chủ hàng khi thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua đại lý làm thủ tục hải quan được quy định như sau:

1. Cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cho đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan cung cấp cho đại lý làm thủ tục hải quan.

3. Giám sát, khiếu nại việc thực hiện các nghĩa vụ của Đại lý làm thủ tục hải quan trong phạm vi được ủy quyền và chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử lý của cơ quan hải quan trong trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế.

4. Đề nghị cơ quan hải quan chấm dứt làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp phát hiện Đại lý làm thủ tục hải quan không thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng.

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận